Giảm nhiều hơn một kg mỗi tuần có thể gây mất cơ bắp, rối loạn trao đổi chất, thiếu hụt dinh dưỡng, cơ thể suy nhược.
Theo nhiều chuyên gia, giảm từ 0,45 – 0,9 kg mỗi tuần là tốc độ lành mạnh và an toàn. Mất nhiều cân nặng hơn thế được coi là quá nhanh và có nguy cơ khiến bạn mắc nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm mất cơ, sỏi mật, thiếu hụt dinh dưỡng và giảm trao đổi chất.
Khi mới bắt đầu kế hoạch giảm cân, bạn có thể giảm hơn một kg trong tuần đầu tiên. Đây là giai đoạn giảm cân nhanh nhất và hoàn toàn bình thường vì trọng lượng bạn giảm lúc này được gọi là “trọng lượng nước”. Khi bạn tiêu thụ ít calo hơn lượng calo đốt cháy, cơ thể bắt đầu thâm nhập vào nguồn năng lượng dự trữ glycogen.
Glycogen trong cơ thể liên kết với nước, vì vậy, khi đốt cháy glycogen để làm năng lượng, cơ thể cũng giải phóng nước. Đó là lý do bạn sụt cân nhanh trong tuần đầu tiên. Khi cơ thể dùng hết lượng glycogen dự trữ, mức giảm cân sẽ chậm lại, ổn định trong khoảng 0,45 – 0,9 kg mỗi tuần. Giảm cân quá nhanh có thể dẫn đến một số mối nguy hại cho sức khỏe và khiến bạn khó duy trì mức cân nặng mục tiêu, dễ tăng cân trở lại sau đó.
1. Mất cơ bắp
Giảm cân quá nhanh gây mất cơ bắp, khiến da chảy xệ, nhăn nheo.
Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa giảm cân và giảm mỡ. Chế độ ăn kiêng ít calo có thể giúp giảm cân nhanh nhưng nó đi kèm những rủi ro như mất nước, rối loạn điện giải, mất cơ bắp.
2. Làm chậm quá trình trao đổi chất
Quá trình trao đổi chất quyết định bạn đốt cháy được bao nhiêu calo mỗi ngày. Quá trình trao đổi chất nhanh giúp đốt cháy nhiều calo hơn, giúp giảm cân nhanh hơn.
Nghiên cứu đã chỉ ra, giảm cân bằng cách hạn chế tối đa lượng calo nạp vào cơ thể khiến bạn đốt cháy ít hơn 23% calo mỗi ngày. Tỷ lệ trao đổi chất giảm gây mất cân bằng nội tiết tố và dẫn đến tăng cân sau một thời gian ngắn giảm cân.
3. Mất nước
Giảm cân nhanh thường là kết quả của việc giảm trọng lượng nước hoặc mất nước. Khi duy trì chế độ ăn kiêng gây mất nước nghiêm trọng, bạn có thể gặp các vấn đề như nhức đầu, mệt mỏi, khó chịu, táo bón… Mất nước cũng gây ảnh hưởng đến chức năng thận, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
4. Mất cân bằng điện giải
Thay đổi chế độ dinh dưỡng đột ngột có thể ảnh hưởng đến hàm lượng khoáng chất trong cơ thể, gây mất cân bằng điện giải. Rối loạn điện giải lâu dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, suy giảm chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể.
5. Thiếu hụt dinh dưỡng
Thiếu hụt dinh dưỡng gây thiếu máu, suy giảm miễn dịch và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Chế độ ăn kiêng cắt giảm một hoặc vài thành phần dinh dưỡng có thể giúp giảm cân nhanh nhưng dễ gây thiếu hụt dinh dưỡng về lâu dài. Khi áp dụng chế độ ăn kiêng ít calo, cơ thể thường bị thiếu các dưỡng chất thiết yếu như B12, sắt, folate…
Thiếu hụt dinh dưỡng gây thiếu máu, suy giảm miễn dịch, mệt mỏi, xương khớp kém, rụng tóc, da xấu đi… Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nên duy trì chế độ ăn kiêng cân bằng, lành mạnh để giảm cân hiệu quả và không ảnh hưởng đến sức khỏe.
6. Tăng nguy cơ hình thành sỏi mật
Nghiên cứu đã chỉ ra, giảm số lượng cân lớn trong thời gian ngắn là nguyên nhân hàng đầu gây sỏi mật. Túi mật hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, khi bạn không nạp đủ thức ăn, các dịch tiêu hóa dư thừa sẽ hình thành sỏi mật.
7. Mệt mỏi, hụt hơi
Giảm cân quá nhanh có thể gây suy nhược cơ thể.
Chế độ ăn kiêng hà khắc khiến bạn giảm cân nhanh nhưng cũng khiến cơ thể suy giảm năng lượng, khó có thể thực hiện các hoạt động thường ngày. Mệt mỏi kéo dài có thể gây căng thẳng quá mức, thậm chí có thể gây chóng mặt, ngất xỉu…
Khi cảm thấy mệt mỏi quá mức, bạn sẽ khó duy trì chế độ ăn này và dễ dàng quay trở lại chế độ ăn uống ban đầu. Khi đó, cân nặng tăng trở lại và có thể tăng nhiều hơn.
Nhìn miếng da bụng mà nổi hết óc ác